Giám sát chất lượng Sàng lọc trước sinh và sơ sinh 12 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long - Đợt 1 năm 2019
Tiếp tục Thực hiện kế hoạch số 458/KH-BVPS-TTSL về việc "Giám sát chất lượng Sàng lọc trước sinh và sơ sinh 12 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long - Đợt 1 năm 2019". Ngày 30/05/2019, Đoàn Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh do BS.CKII. Lương Kim Phượng - Trưởng đoàn - Giám đốc Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ đã tiến hành giám sát chất lượng Sàng lọc trước sinh, sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh tỉnh Bến Tre và Trung tâm Y tế huyện Càng Long tỉnh Trà Vinh.
Theo đó, trong đợt I, Đoàn giám sát sẽ tiến hành khảo sát công tác thực hiện chỉ tiêu Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phân bổ, đánh giá, đảm bảo thực hiện đúng các quy trình về lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu sàng lọc sơ sinh. Qua đó, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những hướng giải quyết giúp địa phương tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ sàng lọc, đảm bảo chất lượng, giúp người dân các tỉnh trong vùng được thụ hưởng tối đa chính sách của Nhà nước.
Tại 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, Đoàn giám sát đã được nghe báo cáo công tác thực hiện Sàng lọc trước sinh và sơ sinh theo chỉ tiêu Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phân bổ, đánh giá, đảm bảo thực hiện đúng các quy trình về lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu sàng lọc sơ sinh tại các tỉnh. Đồng thời, các đơn vị đã báo cáo tình hình thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh xã hội hóa. Đến nay, chương trình tầm soát các tật, bệnh bẩm sinh của các tỉnh trong vùng đã tạo nhiều tác động tích cực, góp phần nâng cao ý thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng.
Hình ảnh Đoàn Giám sát tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh tỉnh Bến Tre
Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo, các tỉnh cần đẩy mạnh xã hội hóa hơn nữa để từng bước phát triển. Tuy Đề án sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh triển khai rộng rãi đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhưng chỉ một bộ phận người dân, điều kiện kinh tế khá giả, mới tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao này. Theo BS.CKII. Lương Kim Phượng, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần quan tâm truyền thông, vận động, nâng cao ý thức cộng đồng để người dân nông thôn cố gắng tham gia chương trình, nâng cao chất lượng giống nòi. Chi cục Dân số - KHHGĐ và BV các tỉnh, thành cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Cần Thơ đưa dịch vụ đến cộng đồng.
Hình ảnh buổi làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Càng Long tỉnh Trà Vinh
Bên cạnh hoạt động giám sát, hỗ trợ các tỉnh thực hiện Đề án, Đoàn Giám sát còn thực hiện các hoạt động truyền thông tư vấn, vận động để người dân hiểu rõ lợi ích của chương trình sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Trong đó, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh là lĩnh vực mới mẻ với các bác sĩ sản nhi vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là bệnh lý di truyền của gien, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh 1/500, tuy nhiên, nếu bệnh không được phát hiện sớm, trẻ sơ sinh đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng sự phát thể chất, tinh thần, thậm chí tử vong.
Hình ảnh lưu niệm tại Trung tâm Y tế huyện Càng Long tỉnh Trà Vinh
Hiện nay, Trung tâm thực hiện hầu hết các kỹ thuật sàng lọc và chẩn đoán dị tật trước sinh và bệnh lý bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Trung tâm đã triển khai được gần 20 kỹ thuật chẩn đoán di truyền, sàng lọc 5 bệnh lý sơ sinh cơ bản và là đơn vị duy nhất tại khu vực miền Nam thực hiện xét nghiệm mở rộng thêm 50 bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh nhằm mục đích giúp phát hiện sớm các bệnh lý di truyền bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Năm 2019, Trung tâm Sàng lọc – Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh sẽ tiếp tục triển khai kỹ thuật Prenatal BoBs giúp chẩn đoán thêm 9 hội chứng vi mất đoạn trên nhiễm sắc thể góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.
Phòng Công tác Xã hội - Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ