Bác sỹ Lê Mộng Toàn
Bác sỹ Chuyên khoa II, Lê Mộng Toàn – Trưởng khoa Tim mạch – Lão khoa Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương thầy thuốc ưu tú của ngành y tế tỉnh nhà. Anh đã có nhiều đóng góp mang tính đột phá, giúp mở ra một bước ngoặc mới , nâng tầm y học của tỉnh lên một tầm cao mới. Trong đó phải kể đến là Đề án Bệnh viện Vệ tinh tim mạch được Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu vận hành từ tháng 10 /2020.
Anh có người mẹ làm điều dưỡng trong Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, nên ngay từ nhỏ Bác sỹ Lê Mộng Toàn đã được mẹ bồi dưỡng, nuôi nấng ước mơ thi vào ngành Y. Có được sự định hướng rất sớm từ gia đình, cộng với năng khiếu về các môn học khối B, năm 1989, Bác sỹ Toàn thi và trúng tuyển vào học tại Trường Đại học Y dược TP.HCM, năm 1995 tốt nghiệp ra trường, anh tiếp tục học lên chuyên khoa I. Sau đó về Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu làm việc cho đến nay.
Suốt quá trình công tác, anh trải qua nhiều công việc ở các khoa phòng khác nhau như: Hồi sức cấp cứu, Phó khoa Cấp cứu, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Phó khoa Hồi sức tích cực – chống độc và là Trưởng Khoa Tim Mạch Lão khoa từ năm 2015 đến nay. Ở cương vị nào, Bác sỹ Toàn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không ngừng tìm tòi, học hỏi, đề ra nhiều giải pháp góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị của Bệnh viện, đáp ứng được yêu cầu của người bệnh như: Nhận xét bước đầu hiệu quả sử dụng Naloxone trong điều trị hôn mê do ngộ độc rượu Ethylic cấp tính tại khoa Hồi sức cấp cứu; BNP dự đoán hẹp mạch vành ở bệnh nhân thiếu máu cục bộ mạn tính; Điều trị thay thế huyết tương khẩn cấp trong một trường hợp viêm tụy cấp do tăng Tryglycerid nặng; Viêm phổi liên quan thở máy do nhiễm Acinetobacter Baumanii; Nhồi máu cơ tim cấp ST không chênh nhập khoa Tim mạch.
Đối với bác sỹ Trình Minh Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu: “Bác sỹ Toàn là một đồng nghiệp, một đàn em, một thầy thuốc gần gũi với bệnh nhân. Bác sỹ Toàn nghiên cứu sâu sắc và điều trị tỉ mĩ, nhất là các ca bệnh nặng, các ca bệnh thập thử nhất sinh thường có sự tham gia điều trị tích cực của bác sỹ Toàn. Với vai trò Trưởng khoa Tim mạch – Lão khoa, anh Toàn đã đưa Khoa tim mạch đi vào hoạt động ổn định, ngày càng tiến bộ, triển khai được nhiều dịch vụ kỹ thuật mới như: điều trị rối loạn mạch, các bệnh tim mãn tính, đồng thời xử lý được các can thiệp mạch khẩn cấp, từ Đề án Bệnh viện Vệ tinh. Đóng góp công lao lớn nhất trong năm 2020 là anh Toàn đã đưa vào vận hành hệ thống DSA, đưa tim mạch can thiệp vào thực tế triển khai tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, thực hiện đặt máy tạo nhịp triển khai tại Bệnh viện cùng với Citi”.
Bác sĩ Toàn – áo trắng bên phải (áo trắng thứ 2 là TS.BS Nguyễn Thượng Nghĩa- trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy)
Đây là những kỹ thuật cao thường chỉ được tiến hành tại các Bệnh viện tuyến Trung Ương. Qua 4 tháng triển khai, đến nay ekip của khoa đã trực tiếp thực hiện can thiệp cho gần 100 người bệnh dưới sự giám sát của các bác sỹ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ nay, người dân tỉnh Bến Tre mắc phải các bệnh lý tim mạch nặng đã không phải lặn lội đến TP.HCM để điều trị, vừa tận dụng được thời gian vàng trong điều trị bệnh lý tim mạch, nhất là các ca bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ, vừa giúp người bệnh giảm chi phí, đồng thời giảm quá tải cho tuyến trên, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Phải nói rằng để đạt được kết quả này là một nổ lực rất lớn của bác sỹ Toàn và các bác sỹ, nhân viên trong khoa. Bởi với vai trò là bác sỹ nội khoa, việc học thêm về phẩu thuật DSA là một bước chuyển vô cùng lớn, chuyển từ lĩnh vực nội khoa sang lĩnh vực thiên về ngoại khoa. Bác sỹ Toàn chia sẻ: “Đây là thách thức lớn đối với chính tôi và tất cả ekip tham gia học tập. Ngoài vấn đề chuyên môn, thì ekip còn phải học hỏi về cách thức vận hành, quản lý, mọi mặt khác của phòng DSA. Từ đó, có ý kiến đóng góp cho Ban Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trong việc xây dựng, chuẩn bị, mua sắm trang thiết bị... Vì thế để hoàn tất khóa học trong 2 năm đó, chúng tôi phải học tập rất tích cực. Ekip của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu được các đồng nghiệp, các thầy ở bệnh viện Chợ Rẫy khen ngợi về tinh thần ham học hỏi, chịu cực. Một ngày chúng tôi có thể làm việc, học tập và thực hành từ 10 đến 12 giờ. Đó là chưa kể đến việc thường xuyên tiếp xúc với tia X trong phòng DSA. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến năm 2020, các bác sỹ của khoa cũng phải thay phiên để gồng gánh, san sẻ phần công việc của các bác sỹ, điều dưỡng tham gia học tập. Bởi mỗi đợt học kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm, mỗi một ekip tham gia học có khi lên 7 người. Riêng bản thân tôi, có 2 năm được học tập trung tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2016 đến năm 2018.”
2 năm rèn giũa, khảo nghiệm qua hàng ngàn ca phẩu thuật dưới sự hướng dẫn của các bác ỹ chuyên khoa tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, tay nghề của anh được nâng lên, thành thục để từ đó góp phần giúp cho anh có đủ tự tin, bản lĩnh để cùng các anh em khác trong khoa triển khai nhiều gói kĩ thuật mới về cho Bệnh viện. Việc thành lập Bệnh viện vệ tinh tim mạch tại tỉnh là 1 bước tiến quan trọng của không chỉ khoa tim mạch mà còn là bước tiến lớn của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, của ngành Y tế tỉnh Bến Tre.
Vinh danh những đóng góp của anh vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, năm 2017 anh được Chủ tịch nước tặng bằng khen Thầy thuốc ưu tú, năm 2019 anh nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ, cùng nhiều bằng khen của UBND tỉnh. Năm 2020, Tập thể khoa Tim mạch được Ban Giám đốc đánh giá là tập thể lao động xuất sắc, riêng bản thân thân anh cũng được Ban Giám Đốc đánh giá là Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bác sỹ ngoại khoa tiêu biểu Lê Phước Thành
Hơn 30 năm trong nghề, bác sỹ Lê Phước Thành – Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh đã có nhiều cống hiến cho sự phát triển lĩnh vực ngoại khoa của bệnh viện, nhiều kỹ thuật khó được bác sỹ Thành đưa vào ứng dụng, mang đến thành công, người bệnh ở các địa phương của huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Thạnh Phú, được thụ hưởng kỹ thuật hiện đại ngay tại tuyến y tế cơ sở với chi phí thấp.
Bác sỹ Lê Phước Thành sinh năm 1965, ở xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Ba làm cán bộ y tế, nên ngay từ nhỏ Bác sỹ Thành đã có nhiều cơ hội được tiếp xúc với những kiến thức về nghề y, với những bác sỹ giỏi, tâm huyết là đồng nghiệp của ba. Những ấn tượng tốt đẹp về nghề y cứu người, sự nể phục những bác sỹ tài năng đã ăn sâu trong tiềm thức của anh, để rồi nó thôi thúc, hun đúc anh đi theo con đường sự nghiệp vinh quang của ba. Năm 1983, anh đậu vào trường Đại học Y dược của Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành ngoại khoa. Năm 1989, anh tốt nghiệp và về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày, đến năm 2000, anh về công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh cho đến nay.
Bác sĩ Lê Phước Thành đang phẫu thuật cho bệnh nhân.
Khác với bệnh viện tuyến trên (tỉnh, trung ương), bác sỹ ngoại khoa tuyến huyện còn thiếu thốn nhiều thiết bị máy móc, trong khi đó yêu cầu điều trị của bệnh nhân lại đa dạng, phức tạp. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu chăm sóc tốt hơn cho người bệnh, bác sỹ Thành thường xuyên tham gia các khóa đào tạo chuyên môn ở các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y dược… của thành phố HCM để “rèn giũa” tay nghề. Năm 1992 đến năm 1994 anh hoàn tất khóa đào tạo bác sỹ Chuyên khoa I, năm 2003 đến năm 2005, anh hoàn tất khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa II. Bên cạnh đó, anh cũng tham gia nhiều khóa học, khóa đào tạo về nghiệp vụ, chuyên môn, học hỏi đồng nghiệp để từng lúc đưa về triển khai nhiều kỹ thuật mới, khó tại Bệnh viện như: ghép da trong những vết thương mất da rộng, kết hợp xương quay, trụ, bánh chè… Nắn chỉnh, bó bột các trường hợp gãy xương vào năm 1994, Tháo lồng bằng hơi trong lồng ruột cấp tính trẻ nhũ nhi; Cắt đại tràng nối ngay trong cấp cứu trong bệnh lý tắc ruột do u đại tràng; Đặt mesh trong thoát vị bẹn… Vào năm 2005, phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, cắt túi mật, khâu lỗ thủng dạ dày, gỡ dính ruột, thai ngoài tử cung vỡ vào năm 2008 và triển khai phẫu thuật nội soi nâng cao: cắt túi mật khó, sỏi ống mật chủ vào năm 2018….
Đối với bác sỹ Thành “Điều giúp cho bản thân luôn luôn nổ lực, cố gắng đó là vì người bệnh, khi thấy bệnh nhân hồi phục sức khỏe sau phẩu thuật là mọi mệt mỏi đều không còn, thấy bệnh nhân vui, khỏe, đó chính là niềm vui trong cuộc đời làm nghề” bác sỹ Thành vui vẻ nói. 30 năm làm nghề, đôi ban tay kì diệu của anh đã cứu sống, mang đến sức khỏe cho vài chục ngàn người bệnh.
Yêu nghề, yêu người bệnh, tận tâm, tận tụy với công việc, bác sỹ Thành không chỉ tạo nên sự kính trọng, ấn tượng đẹp trong lòng của đồng nghiệp mà còn có cả sự yêu thương, tin tưởng của người bệnh. Bệnh nhân Lê Văn Rô, 85 tuổi, bị sỏi túi mật– xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam, vừa được bác sỹ Thành phẫu thuật nội soi 3 ngày cho biết: bản thân thấy bác sỹ Thành không chỉ giỏi mà còn rất chu đáo, tận tâm, lo lắng cho người bệnh. Nhờ có bác sỹ mà nay sức khỏe ông hồi phục tốt, hết đau.
Lòng tin của người bệnh đối với Bệnh viện Cù Lao Minh nhờ đó được nâng lên rất nhiều. Bác sỹ Phan Văn Tăng – Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh đánh giá rất cao những đóng góp của bác sỹ Thành cho sự phát triển lĩnh vực ngoại khoa của Bệnh viện. Nhờ có những cải tiến trong quy trình phẩu thuật, những đề tài sáng kiến đưa kỹ thuật mới ứng dụng, bác sỹ Thành đã phát triển lĩnh vực ngoại khoa của Bệnh viện trở thành lĩnh vực mũi nhọn. Nhiều năm liền bác sỹ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là điển hình tiên tiến của đơn vị, giai đoạn 2012 – 2016 anh còn vinh dự nhận Bằng khen của thủ tướng chính phủ.
Những thầy thuốc quên mình vì sức khỏe cộng đồng
Lại một năm nữa, các bác sỹ, nhân viên y tế lỡ hẹn với Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/02, ngày được mọi người chúc mừng, được vinh danh. Nhưng với họ đó không phải là bận tâm lúc bấy giờ, bởi họ đang toàn tâm, toàn lực cho công tác phòng chống dịch Covid -19, quên mình phục vụ.
Họ đã vượt qua sợ hãi, vượt qua nguy hiểm, dấn thân, đối đầu với dịch bệnh để bảo vệ, mang bình yên đến mọi người. Thực hiện xứ mệnh thiêng liêng mà nghề đã chọn cho họ. Không phải họ không sợ hãi, mà vì họ đã chọn nghề y, nghề của sự dấn thân, nên họ cứ thế tiến lên. Dù “Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì nhân viên y tế cũng đang đặt cược tính mệnh để đối mặt với tác nhân mới gây bệnh. Những tác nhân gây bệnh chưa có thuốc đặc trị, chưa có vacxin. Đó là chia sẻ của Cử nhân sinh học Phan Thập Huy – Trưởng khoa xét nghiệm – chấn thương chỉnh hình – thăm dò chức năng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC).
Hình ảnh đẹp của những chiến sỹ áo trắng trên mặt trận tuyến đầu phòng chống dịch của Trung tâm kiểm soát bệnh tật bị che khuất sau 1 lớp hàng rào phục trang bảo hộ. Không có 1 gương mặt cụ thể nào, nhưng có lẻ trong lòng mỗi người chúng ta, chưa bao giờ hình ảnh người bác sỹ, cán bộ, nhân viên ngành y lại trở nên đẹp hơn lúc này.
Từ khi có dịch Covid-19, công việc của những cán bộ y tế tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Rất nhiều y, bác sỹ đã tạm gác lại trách nhiệm với gia đình để dành toàn bộ thời gian cho công việc chống dịch. Với họ, chặn dịch thành công vừa là xứ mệnh vừa là nghĩa vụ và cũng là niềm vui, hạnh phúc với nghề.
Điều dưỡng Võ Thị Anh Thư – điều dưỡng Khoa nhiễm, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Ngay từ khi có dịch, bản thân đã làm công tác tư tưởng cho gia đình, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có sự phân công điều động của lãnh đạo.
Đặc biệt là cán bộ y tế thuộc khối dự phòng. Nói như bác sỹ Nguyễn Hữu Định – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thì họ là những Chiến sỹ áo trắng thầm lặng. Bởi ít ai biết được công việc của họ, dù công việc vô cùng vất vả, nguy hiểm. Khi có dịch, khi có thông tin ca F1 nghi ngờ thì các chiến sỹ này sẽ có mặt ngay lập tức, sẵn sàng đi vào vùng tâm dịch để làm nhiệm vụ… Vất vả, khó khăn, nguy hiểm là vậy nhưng ai cũng vui vẻ khi làm nhiệm vụ.
Nhất là trong những tết Nguyên Đán Tân Sửu vừa qua, khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở các tỉnh Hải Dương, Gia lai…. Công việc của các nhân viên y tế Trung tâm CDC tăng lên gấp nhiều lần. Những bữa cơm ăn vội, những gói mì lót dạ qua cơn đói…. để lại tiếp tục công việc. Là hình ảnh không khó để bắt gặp.
Bữa ăn ngày trực Tết của nhân viên y tế Trung tâm CDC
Có những lúc như thế này, chúng ta mới hiểu hết được sự vất vả của nghề y để chúng ta thêm yêu quí, cảm phục họ, những tấm lòng luôn vì sức khỏe người bệnh mà không ngại hi sinh, để thấy rằng họ xứng đáng có ngày 27.02 để được tôn vinh.
Và có lẻ chưa bao giờ lòng người lại hướng về nghề y nhiều như lúc này với tình cảm gắn bó, yêu thương, cảm phục và kính trọng. Để hình ảnh đẹp của bác sỹ một lần nữa sống lại trong trái tim của mỗi người, đúng với danh xưng “Lương y như từ mẫu”. 2 năm, 2 năm rồi dịch bệnh, các bác sỹ không được tuyên dương, nhưng thiết nghĩ những tình cảm quí trọng, yêu mến của toàn thể người dân luôn hướng về họ còn đáng giá gấp vạn lần!
Nhiều khó khăn, thử thách vẫn đang chờ phía trước. Và với họ, vẫn luôn là 1 cuộc dấn thân, không sợ hãi, không lùi lại, sẵn sàng “chiến đấu” với dịch bệnh, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao gửi.
Lỡ hẹn 2 năm với ngày 27.02, nhưng tôi tin rằng, với sự thấu hiểu, cảm thông, yêu thương cán bộ ngành y, mỗi người chúng ta hãy chung tay, góp sức cùng với ngành y tế bảo vệ thành quả mà những chiến sỹ đang mỗi ngày cố gắng tạo dựng để 27.02 năm sau không còn lỡ hẹn.
Ngọc Hoa (btusta.vn)